Việc các thành viên góp tiền vào quỹ chung là hoạt động thường gặp, tuy nhiên, không ít người thắc mắc về quỹ chung được sử dụng như thế nào mà không tiện nói ra vì nhiều lý do...
Chủ nhân của ứng dụng này, chị Lê Thị Xuân Hương cho biết, xuất phát từ thực tế bản thân tham gia góp nhiều quỹ tiền chung như: quỹ văn phòng công ty, quỹ gia đình, góp tiền đầu tư kinh doanh, quỹ trường lớp của các con, quỹ thiện nguyện, quỹ câu lạc bộ đá bóng..., nhưng việc các quỹ được sử dụng như thế nào thì thường chỉ có người nắm quỹ mới biết và công khai vào cuối tháng hay cuối năm. “Nếu đầu năm học đi họp cho con, phụ huynh được yêu cầu đóng 500.000 đồng tiền quỹ, sau đó, khi vào học được vài tháng thì lại nghe đại diện hội phụ huynh nhắn tiếp tục đóng quỹ.
Có nhiều trường hợp người giữ quỹ công khai từng hạng mục đã chi ra từ tiền chung trước khi yêu cầu đóng quỹ, nhưng cũng có trường hợp tới cuối học kỳ hoặc cuối năm học mới công bố. Thực tế cả năm cũng không ai nhớ việc sử dụng như vậy có đúng thực tế không, nhưng cũng ít người nói ra vì ngại mất lòng hoặc nhiều lý do khác”, chị Hương chia sẻ.
Vậy là với ý tưởng về một ứng dụng giúp minh bạch tiền quỹ, lại đang làm tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chị Hương đã trình bày ý tưởng với đồng nghiệp tại công ty để xây dựng nên ứng dụng Zomo - Cùng nhau nắm quỹ. Theo đó, khi đăng nhập vào ứng dụng Zomo, người dùng sẽ tạo ra một quỹ chung và mời những người có tham gia hoặc liên quan đến số tiền của quỹ đó sử dụng Zomo để cùng quản lý.
Zomo cho phép thiết lập người được nhập thu chi là tất cả thành viên nhóm hoặc chỉ người nắm quỹ, hoặc cho phép thành viên nhập thu chi nhưng người nắm quỹ sẽ xét duyệt trước khi cho vào sổ, hiển thị và nhắc nhở việc đóng tiền quỹ theo định kỳ, các hạng mục thu chi được phân theo tính chất để dễ quản lý. Các hành động thêm, sửa, xóa thu chi đều được gửi thông báo tức thời đến các thành viên trong nhóm. Bên cạnh đó, sẽ có báo cáo thống kê rõ ràng bằng biểu đồ theo thu chi, hạng mục và đối tượng, các thành viên trong nhóm sẽ biết mỗi tháng nhóm thu chi ở các việc nào là phổ biến.
Với những người trẻ, nhanh nhạy về công nghệ thì việc cùng sử dụng Zomo là tương đối dễ dàng. Song, với những người lớn tuổi, không rành về ứng dụng để tham gia thì Zomo có tính năng gửi báo cáo thu chi mỗi tháng tới email của cả những người không dùng app. Ví dụ với câu chuyện tiền quỹ hội phụ huynh học sinh như chị Hương chia sẻ ở trên, nếu một lớp có 30 phụ huynh và không phải ai cũng sử dụng Zomo, thì có thể chỉ cần 10 người có nhu cầu muốn biết tiền quỹ sử dụng như thế nào tham gia vào app, 20 người còn lại khi cần có thể nhờ người giữ quỹ gửi email để nắm được chi tiết.
Như vậy, nếu là người tham gia quỹ, lợi ích rõ ràng là bạn sẽ theo dõi được tiền chung sẽ được sử dụng vào đâu. Còn nếu bạn là người giữ quỹ thì không còn phải tổng hợp rồi thông báo đến từng người, không cần bỏ tiền quỹ riêng một bên để tránh lẫn vào tiền cá nhân, không cần phải chứng minh tiền quỹ được hoạt động đúng, không cần phải nhắc nhở những ai chưa đóng tiền vì Zomo sẽ giúp bạn làm tất cả một cách dễ dàng và minh bạch. Vì những ưu điểm trên, ngay khi phát hành chính thức vào đầu năm 2020, Zomo đã có một lượng người dùng miễn phí và nhiều nhóm sau đó trả phí để sử dụng đầy đủ tiện ích hơn. Hiện ứng dụng Zomo đã có trên nền tảng điện thoại thông minh iOS và Android. Chị Hương cho biết, chị cùng các đồng nghiệp đang hoàn thiện nhiều tính năng để Zomo có thêm phiên bản mở rộng (premium) trong thời gian tới.
Xem chi tiết bài báo: nhấn vào đây